Danh mục bài viết
Cà phê được ưa chuộng nhờ khả năng giúp cơ thể tỉnh táo, nâng cao hiệu suất làm việc trong ngày. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng thức uống này đúng thời điểm để tận hưởng những lợi ích trên.
1. Tác dụng của cà phê đối với sức khỏe
1.1 Giúp giảm mệt mỏi và tăng năng lượng
Cà phê có chứa caffeine là một chất kích thích thần kinh. Sau khi uống cà phê, caffeine sẽ được hấp thụ vào máu và từ đó di chuyển đến não. Trong não, caffeine ngăn chặn chất dẫn truyền thần kinh ức chế adenosine. Điều này giúp cải thiện mức năng lượng, tâm trạng và các khía cạnh khác nhau của chức năng não.
1.2 Cà phê chứa một số chất dinh dưỡng cần thiết
Cà phê có chứa một số chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho cơ thể và có hàm lượng chất chống ôxy hóa cao. Trong một tách cà phê 240ml chứa:
- Vitamin B2 (riboflavin): 11% DV (giá trị dinh dưỡng hàng ngày)
- Vitamin B5 (axit pantothenic): 6% DV
- Vitamin B1 (thiamine): 2% DV
- Vitamin B3 (niacin): 2% DV
- Folate: 1% DV
- Mangan: 3% DV
- Kali: 3% DV
- Magiê: 2% DV
- Phốt pho: 1% DV
1.3 Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson và chứng sa sút trí tuệ
Bệnh Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu của chứng sa sút trí tuệ. Bệnh Parkinson là tình trạng thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai, ngay sau bệnh Alzheimer. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi. Có thể hạn chế căn bệnh này và chứng sa sút trí tuệ bằng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học và tập thể dục điều độ. Uống cà phê cũng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Một số nghiên cứu cho thấy những người uống cà phê có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn tới 65%.
1.4 Chống lại bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng khiến chất lượng cuộc sống bị giảm sút đáng kể. Cuộc sống hiện đại khiến ngày càng có nhiều người mắc phải căn bệnh này. Theo thống kê, khoảng 4,1% người Mỹ hiện đáp ứng các tiêu chuẩn về trầm cảm lâm sàng.
Trong một nghiên cứu của Harvard được công bố vào năm 2011, những phụ nữ uống 4 tách cà phê trở lên mỗi ngày có nguy cơ bị trầm cảm thấp hơn 20%. Một nghiên cứu khác trên 208.424 người cho thấy những người uống 4 tách cà phê trở lên mỗi ngày có nguy cơ tử vong do tự tử thấp hơn 53%.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp ở những người nhạy cảm, lượng caffeine cao có thể làm tăng lo lắng, bồn chồn và mất ngủ. Việc ngừng uống caffeine đột ngột có thể gây đau đầu, mệt mỏi, lo lắng và tâm trạng thấp trong vài ngày và có thể kéo dài đến một tuần.
1.5 Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư
Cà phê có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư đại trực tràng. Các polyphenol khác nhau trong cà phê đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư trong các nghiên cứu trên động vật. Cà phê cũng có liên quan đến việc giảm mức độ estrogen, đây là một loại hormone có liên quan đến một số loại ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy những người uống cà phê có nguy cơ mắc ung thư gan thấp hơn tới 40% và ung thư đại trực tràng thấp hơn 15%.
2. Thời điểm uống cà phê
2.1 Giữa buổi sáng
Nhiều người có thói quen bắt đầu ngày mới bằng 1 ly cà phê ngay sau khi thức dậy. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bạn nên lùi thời điểm uống cà phê đến giữa buổi sáng.
Trong cà phê chứa cafeine, một chất kích thích tự nhiên có thể làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể. Cortisol (còn được gọi là hormone căng thẳng) tham gia vào quá trình điều hòa trao đổi chất, hệ miễn dịch, đường huyết và nhiều chức năng khác.
Nồng độ hormone cortisol thường tăng cao vào khoảng 30-45 phút sau khi bạn thức giấc, giúp đem lại cảm giác tỉnh táo tự nhiên vào khung giờ này. Do đó, uống cà phê vào lúc này thực sự không cần thiết. Thời điểm thích hợp hơn là vài giờ sau khi bạn thức dậy, từ khoảng 9 -11 giờ.
2.2 Trước khi tập thể dục
Uống cà phê trước khi tập thể dục là biện pháp đơn giản để cung cấp năng lượng, cải thiện khả năng tập trung và phối hợp khi tập luyện. Cà phê còn có thể giúp giảm cơn đau cơ bắp sau buổi tập. Vì vậy, có thể uống cà phê trước buổi tập khoảng 30 phút để tận hưởng các lợi ích trên của cà phê đối với việc tập luyện nâng cao sức khỏe.
2.3 Sau khi bị mất ngủ
Nếu bạn mất ngủ cả đêm và cần tập trung học tập, làm việc vào buổi sáng hôm sau, hãy thử uống cà phê. 1-2 tách cà phê lúc này sẽ giúp đạt được trạng thái tỉnh táo như thể bạn đã có một đêm ngon giấc. Lưu ý, đây chỉ là giải pháp tạm thời và không nên lạm dụng thường xuyên.
Quan tâm: Dưa leo giảm cân hiệu quả không?
3. Thời điểm không nên uống cà phê
Caffeine có thể cản trở khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Do đó, không nên uống cà phê trong hoặc ngay sau bữa ăn. Uống cà phê khi dạ dày rỗng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nồng độ cortisol và đường huyết.
Bên cạnh khả năng giữ tỉnh táo, cà phê có tác dụng phụ là gây mất ngủ. Để đảm bảo giấc ngủ ngon vào buổi tối, nên hạn chế uống cà phê quá muộn. Người nhạy cảm với caffeine không nên sử dụng thức uống chứa caffeine sau buổi trưa.
4. Nên uống bao nhiêu cà phê là đủ?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, không nên sử dụng quá 400mg caffeine mỗi ngày (tương đương khoảng 4-5 tách cà phê, mỗi tách 240ml).
Những người nhạy cảm với caffeine nên hạn chế, hoặc loại bỏ hoàn toàn cà phê khỏi chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Uống quá nhiều cà phê có thể khiến nồng độ cortisol tăng cao, dẫn tới một số triệu chứng “say cà phê” như: Cảm giác lo âu không rõ nguyên nhân, mất ngủ, bồn chồn…