Danh mục bài viết
1. Tàn nhang và các loại thường gặp
Tàn nhang là một trong các vấn đề về da thường gặp, là những đốm nâu nhỏ thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như: tàn nhang ở má, tàn nhang trên mặt, tàn nhang ở tay chân,… Thực tế các đốm tàn nhang là những mảng màu hoặc mảng tăng sắc tố thừa dưới da, dù không nguy hiểm cho sức khỏe nhưng ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ.
Tàn nhang được phân thành 2 loại là tàn nhang và vết đồi mồi, về hình thái của hai loại có thể khá giống nhau nhưng đặc điểm và sự phát triển là khác nhau. Xác định tình trạng da là tàn nhang hay đồi mồi giúp điều trị hiệu quả hơn.
Cụ thể đặc điểm của hai loại tàn nhang như sau:
1.1. Tàn nhang (Ephelides)
Đây là mảng sắc tố da do di truyền, xuất hiện trên da từ khá sớm khi bạn chỉ khoảng 2 – 3 tuổi. Sau đó khi da tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn, tàn nhang cũng xuất hiện nhiều không chỉ ở mặt mà còn ở các vùng da cơ thể khác như: ngực, cổ, cánh tay, bàn tay,…
Tàn nhang có thể có nhiều loại màu sắc tùy vào sắc tố da từng người như: nâu đậm, nâu nhạt, đỏ,… Khi bạn già đi, tàn nhang có thể biến mất hoặc nhạt đi. Ngoài ra vào mùa đông, do da tiếp xúc ít hơn với ánh nắng mặt trời nên các nốt tàn nhang cũng thường mờ hơn so với mùa hè.
Đặc điểm phân biệt giữa tàn nhang và đồi mồi là tàn nhang có kích thước các nốt từ 1 – 2 mm hoặc lớn hơn, có đường viền bất thường không xác định rõ.
1.2. Đồi mồi (Solar lentigines)
Đồi mồi khác với tàn nhang là xuất hiện khá muộn, thường khi bạn già đi và độ tuổi từ 50 trở đi thường xuất hiện đồi mồi nhiều nhất. Đồi mồi còn được gọi là vết đen hay đốm đồi mồi do có màu vàng nhạt đến nâu đậm tùy theo sắc tố da, không mờ dần vào mùa đông hoặc theo thời gian.
Bất cứ vùng da nào trên cơ thể có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đều có thể xuất hiện các nốt đồi mồi như: lưng, ngực, mặt, cẳng tay, bàn tay, cẳng chân,… Khác với các vết tàn nhang thường không có ranh giới xác định rõ thì các nốt đồi mồi có đường viền khá rõ ràng.
Cả hai loại tàn nhang đều là lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên cần chú ý nếu các nốt bất thường trên da có đặc điểm sau là dấu hiệu của ung thư da: đau, có đường viền hình răng cưa, gây lở loét trên da, các nốt trên da không đối xứng, đường kính lớn hơn 6mm, tạo thành các gờ nổi trên bề mặt da,…
2. Nguyên nhân tàn nhang hình thành
Nguyên nhân dẫn đến tàn nhang được các nhà khoa học kết luận là sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và yếu tố di truyền. Vì thế, tàn nhang dễ xảy ra ở những người có làn da sáng, có liên quan đến gen MC1R cung cấp hướng dẫn hình thành sắc tố da. Tuy nhiên, gen này không ảnh hưởng đến tất cả các cả thể theo cùng một cách, tác động thông qua 2 loại melanin là Pheomelanin và eumelanin.
Yếu tố môi trường lớn nhất là nguyên nhân dẫn đến hình thành tàn nhang là ánh nắng mặt trời, vừa kích thích xuất hiện tàn nhang vừa khiến các nốt tàn nhang đậm màu hơn theo thời gian. Điều này lí giải tại sao ở nhiều người, tàn nhang mờ dần vào mùa đông hoặc khi tiếp xúc ít với ánh nắng mặt trời, đậm hơn vào mùa hè.
Ngoài ra, sự hình thành của tàn nhang cũng ảnh hưởng bởi 1 số yếu tố khác như: chế độ ăn uống, điều trị bằng liệu pháp hormone như dùng thuốc tránh thai, mỹ phẩm chăm sóc da,…
Quan tâm: [TIẾT LỘ] 8 nguyên nhân gây nám da phái đẹp cần biết
3. Làm gì để loại bỏ tàn nhang?
Tàn nhang không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và không cần điều trị. Tuy nhiên, tàn nhang ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, đặc biệt là những tàn nhang xuất hiện ở mặt. Do vậy, làm gì để xóa bỏ tàn nhang hoặc làm mờ các đốm da này là chủ đề được nhiều người quan tâm, nhất là các chị em phụ nữ.
Có một số phương pháp loại bỏ tàn nhang được áp dụng phổ biến hiện nay gồm:
Điều trị tàn nhang bằng tia Laser.
Sử dụng mặt nạ hóa học.
Điều trị bằng phương pháp áp lạnh.
Sử dụng các sản phẩm như AHA (alpha hydroxy acid) và TCA (trichloroacetic acid).
Các loại kem chứa thành phần retinol.
Dựa trên nguyên nhân và tình trạng nám da, bác sĩ da liễu sẽ gợi ý phương pháp nào điều trị nám da là tốt nhất. Các sản phẩm chứa AHA và TCA được bán khá phổ biến trên thị trường, bạn có thể mua và sử dụng mà không cần kê đơn bác sĩ. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách có thể gây kích ứng da, trước hết hãy dùng thử trên một vùng da nhỏ và theo dõi các dấu hiệu của da.
Ngoài dùng chất hóa học thì điều trị tàn nhang bằng laser là phương pháp hiệu quả nhanh, tiện lợi được nhiều người lựa chọn. Một số loại tia laser có khả năng tái tạo bề mặt phân đoạn da, từ đó làm mờ tàn nhang ở các vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Khi sử dụng tia laser này trên da, các tế bào sắc tố biểu bì cũ bị đào thải, phản ứng dẫn đến tái tạo collagen và hình thành collagen mới.
Sau điều trị, da vẫn có thể tái phát tàn nhang do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia UV từ các nguồn ánh sáng khác. Do vậy, để ngừa tàn nhang tái phát, cần lưu ý bảo vệ da tốt dưới ánh nắng mặt trời bằng kem chống nắng phổ rộng cùng mũ, nón, quần áo chống nắng khi ra ngoài.