Danh mục bài viết
Chứng đau nửa đầu có thể phát sinh ở bất kỳ ai và gây ra cảm giác vô cùng khó chịu cho người bệnh. Do đó, việc tìm kiếm phương pháp chữa đau nửa đầu nhanh chóng và hiệu quả vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của không ít người.
1. Khái niệm về đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu là một vấn đề sức khỏe thần kinh mang tính di truyền. Bệnh có thể phát sinh ngay từ lúc bạn còn nhỏ hoặc khi đã trưởng thành. Theo thống kê từ các chuyên gia, tỷ lệ bị đau nửa đầu ở phụ nữ cao hơn nam giới. Các trường hợp đau nửa đầu thường được chia thành hai nhóm nhỏ là đau nửa đầu có hoặc không có triệu chứng báo trước. Những triệu chứng đau nửa đầu thường là:
- Đau một bên đầu dữ dội
- Buồn nôn và nôn
- Nói chuyện khó khăn
- Cơ thể tê hoặc ngứa
- Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh
Ngoài ra, bên cạnh các biểu hiện đặc trưng, để đưa kết quả chẩn đoán đau nửa đầu ở một người, bác sĩ còn cần dựa trên yếu tố tiểu sử bệnh và những nguyên nhân khách quan khác.
2. 7 mẹo giúp chữa đau nửa đầu nhanh chóng và hiệu quả
Đau nửa đầu khiến bạn vô cùng khó chịu tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế tiêu chuẩn, bạn còn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ giúp chữa đau nửa đầu hiệu quả như sau.
Chườm lạnh
Để chữa đau đầu, bạn hãy dùng một chiếc khăn hoặc vải sạch bọc các viên đá và đặt lên trán. Nhiệt độ thấp tỏa ra từ đá viên sẽ giúp bạn xua bớt cảm giác khó chịu do chứng nhức nửa đầu mang đến.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ nên áp dụng biện pháp này trong 15 phút, sau đó nghỉ ngơi ít nhất trong 15 phút tiếp theo. Hơi lạnh tiến vào cơ thể quá nhiều sẽ dẫn đến một số nguy cơ không đáng có.
Chườm nóng
Nếu cơn đau nửa đầu của bạn phát sinh do tình trạng căng thẳng kéo dài, hãy tìm một chiếc túi chườm nhiệt đặt lên cổ hoặc phía sau đầu. Cách điều trị đau nửa đầu này có có thể áp dụng cho trường hợp nguyên nhân bắt nguồn từ viêm xoang.
Giảm áp lực lên đầu
Tóc buộc đuôi ngựa là kiểu tóc ưa thích của nhiều cô gái. Tuy nhiên, việc buộc tóc quá chặt có thể góp phần gây gia tăng áp lực lên đầu, khiến chức đau nhức nửa đầu tệ hơn. Do đó, nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy tập thói quen nới lỏng dây buộc tóc của mình. Ngoài ra, bạn cũng cần thay đổi những thói quen khiến áp lực trên đầu tăng cao như:
- Đội nón hoặc đeo kính bơi quá chật
- Cài băng đô quá khít
Không để ánh sáng chói
Ánh sáng quá chói hoặc nhấp nháy có nguy cơ dẫn đến chứng đau nửa đầu. Do đó, đối với tình huống này bạn có thể phòng ngừa bằng cách:
- Kéo rèm để chặn bớt ánh sáng vào ban ngày
- Đeo kính râm khi ra nắng
- Sử dụng màn hình chống chói cho máy tính
- Sử dụng bóng đèn huỳnh quang toàn phổ trong phòng
Không nhai kẹo cao su
Động tác nhai kẹo cao su không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng răng hàm mà còn có cả chứng đau nửa đầu. Điều này tương tự với việc cắn móng tay hoặc đưa bút vào miệng cắn. Do đó, để chữa đau nửa đầu, bạn nên tránh dùng những món ăn giòn hoặc dính.
Những món ăn đã được cắt nhỏ sẵn là tốt hơn hết. Mặt khác, chứng nghiến răng vào ban đêm cũng ảnh hưởng đến tình trạng đau nhức nửa đầu. Vì vậy, nếu thuộc trường hợp trên, bạn hãy liên hệ với nha sĩ để mau chóng giải quyết chứng nghiến răng.
Thực hiện các bài tập thư giãn
Các bài tập co duỗi cơ, yoga hay thiền có khả năng cải thiện chứng nhức nửa đầu, chúng xoa dịu phần nào tình trạng khó chịu của người bệnh nhưng chúng chưa có bằng chứng khoa học cụ thể. Tham khảo ý kiến bác sĩ vật lý trị liệu về các động tác phù hợp nếu bạn cảm thấy cơ ở vùng cổ bị căng cứng nhé.
Sử dụng thuốc trị đau nửa đầu theo chỉ định
Thuốc giảm đau có thể sử dụng để chữa đau nửa đầu, chẳng hạn như paracetamol (Hapacol). Tuy nhiên, để chúng hoạt động tốt nhất, đồng thời hạn chế rủi ro tối đa, hãy tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc.
Mặt khác, một số gợi ý sau đây cũng có thể giúp bạn nâng cao hiệu quả khi dùng thuốc trị đau nửa đầu:
- Thuốc dạng lỏng dễ thẩm thấu hơn dạng viên nén, bạn nên ưu tiên chọn loại này.
- Dùng thuốc giảm đau ngay khi cơn đau nửa đầu phát tác có thể giúp bạn giải quyết tình trạng này với liều lượng nhỏ.
- Nếu đau bụng xảy ra cùng lúc với cơn đau nửa đầu, hãy hỏi bác sĩ về cách điều trị phù hợp.
Ngoài ra, nếu cơn đau nhức nửa đầu vẫn tái phát sau khi bạn dùng thuốc giảm đau, hãy nhờ bác sĩ tư vấn biện pháp khắc phục hiệu quả.
3. Các biện pháp phòng ngừa đau nửa đầu
Đau nhức nửa đầu đã và đang trở thành một trong nhiều vấn đề sức khỏe phổ biến hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh việc tìm hiểu cách giảm đau nửa đầu hiệu quả, để đảm bảo sức khỏe của bạn thân, bạn vẫn nên tự trang bị cho mình một số phương pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:
Tránh những nơi ồn ào và có ánh sáng chói
Tiếng ồn lớn hay đèn nhấp nháy sẽ kích thích các giác quan, góp phần dẫn đến chứng đau nhức nửa đầu. Các yếu tố này có thể khó hạn chế, nhưng bạn vẫn có khả năng xác định sự hiện diện của chúng trong một số tình huống cụ thể để tránh xa, bao gồm
- Lái xe vào buổi tối
- Đi xem phim ở rạp chiếu phim
- Tham dự các câu lạc bộ
- Tụ tập chỗ đông người
- Ra đường vào thời điểm nắng gắt
Ngoài ra, bạn cũng nên điều chỉnh ánh sáng màn hình cũng như âm thanh của các thiết bị điện tử sao cho bản thân cảm thấy thoải mái. Từ đó, nguy cơ cơn đau nửa đầu phát sinh cũng sẽ giảm bớt đáng kể.
Quan tâm: Đừng vội bỏ qua top 3 cách chữa viêm xoang tại nhà dưới đây
Cân nhắc khi lựa chọn thực phẩm
Một số loại thực phẩm có khả năng góp phần dẫn đến cơn đau nhức nửa đầu như
- Sô cô la
- Rượu vang đỏ
- Thịt chế biến sẵn
- Đồ ngọt
- Phô mai
Hạn chế hoặc tránh dùng hẳn những loại thực phẩm trên sẽ hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng nhức nửa đầu diễn ra.
Viết nhật ký đau nửa đầu
Ghi lại những lần cơn đau nửa đầu phát tác sẽ giúp bạn dễ dàng xác định nguyên nhân gây nên các cơn đau này. Từ đó, bạn có thể chủ động phòng ngừa.
Chú ý tới những thời điểm thay đổi hormone
Hormone (nội tiết tố) đóng vai trò quan trọng đối với nguyên nhân dẫn đến cơn đau nửa đầu. Một số phụ nữ cho biết, họ có xu hướng dễ bị đau nửa đầu trước hoặc trong thời kỳ kinh nguyệt.
Chính vì lý do này, các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ nên cẩn thận với chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục trong khoảng thời gian này. Điều đó sẽ giúp bạn giảm bớt triệu chứng cũng như cường độ của cơn đau nhức nửa đầu.
Dùng thực phẩm chức năng
Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, sự thiếu hụt magie góp phần đáng kể đến tình trạng đau nửa đầu phát sinh. Do đó, bổ sung khoáng chất này thường xuyên bằng cách ăn uống hoặc dùng thực phẩm chức năng sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ đối mặt với tình trạng sức khỏe khó chịu này.
Chú ý tới thay đổi thời tiết
Thời tiết thay đổi cũng có khả năng tác động đến vấn đề đau nửa đầu của bạn. Độ ẩm và nhiệt độ cao có nguy cơ kích thích tình trạng này nghiêm trọng hơn. Nếu thời tiết khiến bạn cảm thấy khó chịu, bạn nên tìm một không gian thoải mái giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết đối với chứng đau nửa đầu.
Ăn ngủ đúng giờ
Chế độ ăn kiêng hoặc bỏ bữa có thể gây nên chứng đau nửa đầu. Do đó, bạn nên dùng bữa trong vòng một giờ sau khi thức dậy và tiếp đó 3 – 4 giờ sau đó. Tình trạng rỗng bụng cũng như thiếu nước hoàn toàn có khả năng kéo theo cơn đau nhức nửa đầu xuất hiện. Bạn có thể hạn chế tình huống này bằng cách ăn đúng giờ và bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Mặt khác, thiếu ngủ cũng sẽ khiến các triệu chứng đau nửa đầu trở nên tồi tệ hơn cố gắng ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Việc ngủ quá nhiều cũng tương tự với thiếu ngủ. Vì vậy, bạn không nên cố gắng bù đắp cho tình trạng thiếu ngủ bằng cách tăng thời gian ngủ lên sau đó.
Tránh căng thẳng
Căng thẳng là yếu tố hàng đầu dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe, từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Đau nửa đầu cũng là một trong số đó. Vì vậy, tập thói quen thực hiện một số kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hay liệu pháp phản hồi sinh học có thể hữu ích trong việc đối phó với tình trạng căng thẳng.
Tập thể dục
Thường xuyên rèn luyện thể chất là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, tập luyện với cường độ cao vẫn có khả năng gây tác dụng phụ, cụ thể là dẫn đến tình trạng nhức nửa đầu.
Hãy chú ý đến phản ứng cơ thể của bạn đối với các hoạt động tập luyện thể chất. Bạn nên lựa chọn các hoạt động thúc đẩy giảm thiểu căng thẳng mà không tạo quá nhiều áp lực lên cơ thể, chẳng hạn như yoga, thể dục nhịp điệu hoặc thái cực quyền.