Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, nằm trước khí quản, dưới sụn giáp. Gồm 2 thùy: thùy trái và thùy phải có màu nâu đỏ. Cấu trúc gồm nhiều nang giáp, bên trong chứa đầy dịch keo có các chất để tổng hợp hormone giáp trạng và cũng là kho dự trữ hormone tuyến giáp sau khi sản xuất ra, xen lẫn với hoạt động mạch máu.
Tuyến giáp tiết ra chất nội tiết tố thyroxin (T4) có vai trò điều hòa sự phát triển của các cơ quan, thúc đẩy sự hoạt động, trưởng thành của mọi tế bào. Sự hoạt động của tuyến giáp được điều hòa bởi tuyến yên theo cơ chế: tuyến yên tiết ra chất TSH (thyroid stimulating hormon), thúc đẩy tuyến giáp trạng trạng tiết ra T4. Khi nồng độ T4 trong máu giảm, tuyến yên lại tiết thêm TSH, thúc đẩy tuyến giáp tiết đủ lượng T4 cần thiết. Ngược lại nếu nồng độ T4 trong máu đã đủ hoặc cao thì tuyến yên sẽ tiết ít TSH đi, theo đó tuyến giáp sẽ tiết ít T4 phù hợp với nhu cầu cơ thể. Do đó khi có rối loạn về thần kinh và thể dịch, sẽ dẫn đến các bệnh của tuyến giáp.
Bệnh viêm tuyến giáp
Bệnh viêm tuyến giáp là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương tuyến giáp do nhiễm vi khuẩn, vi rút, thuốc hoặc rối loạn miễn dịch… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra tình trạng suy giáp, cường giáp hoặc cả hai trường hợp. Viêm tuyến giáp được chia làm 3 loại: viêm tuyến giáp cấp tính; viêm tuyến giáp bán cấp tính gồm viêm tuyến giáp dạng u hạt bán cấp tính và viêm tuyến giáp lympho bào bán cấp tính; viêm tuyến giáp mạn tính gồm viêm tuyến giáp gồm viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính (hay còn gọi là viêm tuyến giáp hashimoto) và viêm sơ tuyến giáp mạn tính (viêm tuyến giáp Riedel).
– Viêm tuyến giáp bán cấp tính thường do vi khuẩn gây ra. Triệu chứng viêm tuyến giáp cấp tính không điển hình nhất là ở giai đoạn đầu. Các biểu hiện thường gặp là: mệt mỏi, sốt cao, vùng cổ sung nóng và đau…
– Viêm tuyến giáp bán cấp tính thường xuất hiện sau một đợt bị viêm hầu họng; hoặc viêm đường hô hấp trên, phần lớn do vi rút gây ra. Bệnh thường khởi phát với biểu hiện đau người, đau họng, sốt nhẹ. Sau đó đột ngột hoặc từ từ xuất hiện sốt cao, đau vùng cổ. Tuyến giáp sưng to, sờ mềm, rất đau, thường bắt đầu từ một bên sau đó lan sang bên kia. Đau có thể lan lên tai, ra khắp cổ, hạn chế vận động cổ, kèm theo có thể khó nuốt, khó thở.
– Viêm tuyến giáp mạn tính xảy ra do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, tiến triển dần đến suy giáp. Ban đầu thường chỉ thấy mệt, tăng cân nhẹ nhưng khi bệnh nặng hơn sẽ thấy mệt mỏi, sợ lạnh; rối loạn kinh nguyệt; táo bón nặng; da khô, tái; mặt phù tròn; giọng khàn; tăng cân không giải thích được; đau cơ, cứng cơ; trầm cảm, buồn ngủ; tuyến giáp thường to (gay bướu cổ) nhưng cũng có thể teo nhỏ. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ nặng dần và tuyến giáp to lên kèm theo hay quên, trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp..
Tùy từng loại bệnh viêm tuyến giáp và tình trạng bệnh, sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhân không bị thiếu hụt hormon giáp, bệnh nhân không cần điều trị gì nhưng cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp.
Bệnh bướu giáp đơn thuần
Bệnh bướu giáp đơn thuần hay bướu cổ đơn thuần là một trong những bệnh tuyến giáp thường gặp nhất. Đây là tình trạng tuyến giáp phình to nhưng không có rối loạn hoạt động của tuyến giáp. Phần lớn bướu giáp đơn thuần là lành tính.
Nguyên nhân gây ra bướu giáp đơn thuần là do thiếu hụt i-ốt. Dấu hiệu chủ yếu của bệnh là bướu giáp to dần. Bình thường trọng lượng tuyến giáp ước chừng 25-30g, khi trọng lượng lớn hơn 35g thì gọi là bướu tuyến giáp. Bướu to có thể gây chèn ép vào khí quản, thực quản làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở cổ, khó thở, khó nuốt, hay ho. Có thể gặp các trường hợp bướu tuyến giáp như sau:
– Tuyến giáp to đều, không đau; tuyến to nhiều mất thẩm mỹ hoặc chèn ép khiến bệnh nhân khó thở, ho, cần phải uống thuốc thyroxine để tuyến nhỏ lại, thường sau 3-6 tháng có kết quả; song có thể phải dùng thuốc trong một thời gian dài hoặc xuốt đời để tuyến không lớn lên. Nếu dùng thuốc không có kết quả cần phải phẫu thuật cắt bỏ phần lớn tuyến, chỉ chừa lại một phần nhỏ để duy trì sản xuất chất thyroxine.
– Tuyến to kiểu lổn nhổn: bệnh nhân thường không có triệu chứng, không cần điều trị.
– Tuyến chỉ có một vị trí to tròn lên, còn lại cả tuyến giáp bình thường. Trường hợp này cần theo dõi và sinh thiết xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện sớm dấu hiệu ác tính của khối u để xử lý kịp thời.
Quan tâm: Hiểu về đặc điểm tâm lý và cách chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi
Suy giáp
Suy giáp là một rối loạn nội tiết thường là hệ quả từ sự thiếu hụt của hormon tuyến giáp tức là tuyến giáp sản xuất hormon không đủ để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Nguyên nhân gây bệnh do viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp sau sinh, suy giáp bẩm sinh, chấn thương tuyến yên có thể xảy ra sau phẫu thuật não, phá hủy tuyến giáp sau dùng i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật, uống nhiều thuốc ảnh hưởng đến sản xuất hormon tuyến giáp và dẫn đến suy giáp, thiếu i-ốt.
Người bị suy giáp thường có triệu chứng mệt mỏi, chậm chạp, giảm trí nhớ, ngủ kém, chán ăn, tăng cân, táo bón, da khô, chân sưng phù, đau nhức cơ khớp, sợ lạnh, rối loạn kinh nguyệt… Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể có bọng quanh mắt, nhịp tim chậm đi, giảm nhiệt độ cơ thể và suy tim. Suy giáp không được điều trị có thể dẫn đến nguy cơ tăng cholesterol, triglyceride, giảm HDL; tăng đề kháng mạch máu ngoại biên; tăng suy tim sung huyết; suy chức năng tâm thất ở thì tâm thu và tâm trương; tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng, cơn hoảng loạn…
Điều trị suy giáp, bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc hormon giáp (lev-othyroxin) và phải uống suốt đời.
Quan tâm: 5 lý do trứng được ví như một “vitamin tổng hợp tự nhiên”
Ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là dạng ung thư nội tiết tố khá phổ biến, thường gặp ở phái nữ trong độ tuổi từ 20-50. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp bị các tế bào ác tính tấn công, gây rối loạn chức năng của tuyến giáp trong cơ thể. Đại đa số ung thư tuyến giáp đều tiến triển âm thầm, chậm chạp và kéo dài nên bệnh nhân thường không nhận thấy được ngày những thay đổi của toàn thân, vẫn lao động và sinh hoạt bình thường cho đến khi xuất hiện những rối loạn tại chỗ do u chèn ép, xâm lấn (gây khó thở và không ăn uống được), khối u hoại tử, bội nhiễm và loét thì tình trạng toàn thân mới sa sút nặng.
Tuy nhiên, cần đi khám khi có các biểu hiện sau: tuyến giáp to nhanh trong thời gian ngắn và có các hạch nổi lên bất thường cùng xung quanh; bệnh nhân kém chịu nóng , hay vã mồ hôi, luôn luôn trong trạng thái tinh thần căng thẳng, mất ngủ, tính khí thất thường; tay chân run rẩy yếu đuối; ăn nhiều mà vẫn sút cân; hoạt động mau bị mệt, hồi hộp, khó thở; phụ nữ thấy kinh ra ít. Tùy theo thể loại ung thư mà có cách điều trị khác biệt: phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, xạ trị hoặc sử dụng thuốc chống ung thư.
Phòng ngừa các bệnh tuyến giáp
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tuyến giáp là kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu phát hiện thấy những bất thường ở cổ, hoặc có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe nên gặp bác sĩ ngay. Việc phát hiện và có biện pháp chữa trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn. Đồng thời, cần tránh những căng thẳng về tinh thần.
Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp. I-ốt có vai trò điều hòa hoạt động tuyến giáp, giúp ổn định các rối loạn trong bệnh tuyến giáp bao gồm: suy giáp, cường giáp, bướu giáp đơn thuần và ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp được i-ốt mà phải tăng cường qua đường ăn uống. Một trong những nguồn cung cấp i-ốt dồi dào là thực vật từ biển: tảo bẹ, rong biển, sữa ngũ cốc và trứng… Nên bổ sung trái cây và rau củ tươi; các loại gia vị như hạt tiêu, gừng ớt và quế.. Bổ sung axít béo omega 3 bằng cách ăn dầu cá, cá mòi, cá hồi, hạt lanh, thịt bò, cá bơn, đậu nành và tôm… giúp cản thiện quá trình trao đổi chất, giảm các vấn đề về tuyến giáp trong cơ thể.