Ẩm thực Nhật Bản vốn nổi tiếng nhờ cách chọn nguyên liệu, chế biến, bày biện và thưởng thức tinh tế đầy nghệ thuật. Nguyên tắc trên bàn ăn của người Nhật có thể khiến khách du lịch lần đầu đặt chân tới quốc gia này bất ngờ. Và đây là một số điều cơ bản cần lưu ý.
Lựa chọn vị trí và chỗ ngồi trong bàn ăn
Chọn vị trí ngồi là phép cư xử quan trọng trong giao tiếp của người Nhật. Người nào quan trọng nhất sẽ ở vị trí xa cửa nhất. Đừng tự ý chọn chỗ, hãy đợi những người có cấp bậc hay cao tuổi vào chỗ, rồi lần lượt thứ tự kế tiếp. Nếu là khách, bạn nên đợi chủ bữa tiệc hay chủ nhà chọn chỗ cho mình.
Khi dùng bữa
Người Nhật dùng đũa để gắp đồ ăn. Khi lấy đồ ăn từ đĩa chung, hãy lấy bát riêng của mình hứng đồ ăn, thay vì dùng tay. Trên thực tế, người Nhật cho rằng, dùng tay hứng đồ ăn là hành động bất lịch sự. Khi thưởng thức, bạn nên ăn cả miếng và không nên đặt phần cắn dở lên đĩa của mình. Nếu ăn miếng quá to, hãy dùng tay che miệng. Đặc biệt người Nhật rất kị việc chuyển và tiếp nhận thức ăn bằng đũa vì điều này liên quan tới nghi lễ trong đám tang.
Trong khi ăn, không nên tỳ khuỷu tay lên bàn hay vuốt tóc. Đó là những hành động không lịch sự. Còn với phụ nữ, tư thế đó được coi là thiếu đứng đắn.
Trong bữa ăn, thực khách nên tránh mọi âm thanh phát ra, trừ việc ăn mì. Sau bữa ăn, không nên để lại đồ ăn thừa. Người Nhật cho rằng, bạn nên ăn hết mọi thứ được dọn ra. Phần ăn phục vụ luôn ở mức vừa phải, đủ để mọi người ăn hết mà không có đồ thừa.
Một trong các sai lầm thường thấy của thực khách nước ngoài đó là trộn hai loại gia vị wasabi (mù tạt) với nước tương (xì dầu). Nguyên tắc chuẩn mực đó là đổ nước tương vừa đủ vào đĩa, cho wasabi lên miếng sashimi, sau đó mới chấm xì dầu.
Không để vỏ hải sản lên nắp hay đĩa khác. Đây là thói quen thường thấy của nhiều thực khách. Nhưng người Nhật cho rằng đó là hành động kém lịch sự. Họ bỏ vỏ thừa vào phần bát đựng hải sản sau khi kết thúc món ăn.
Không đảo đầu đũa khi gắp đồ ăn chung. Đầu đũa là nơi bàn tay tiếp xúc nên kém vệ sinh. Muốn gắp món chung, hãy lấy thêm đôi đũa khác và gắp trực tiếp vào bát của mình
Một số hành động cấm kỵ khác trong nguyên tắc cầm đũa của người Nhật: không dùng đũa chỉ vào người khác, không gặm cơm dính trên đũa, không cầm bát đũa trên cùng một tay, không dùng đũa xiên thức ăn, cắm đũa vào bát đựng cơm và không dùng đũa nhét đồ ăn vào miệng.
Nguyên tắc khi uống
Hãy chờ tất cả mọi người trên bàn tiệc đều có đồ uống trong tay và cùng nhau nâng cốc. Ở một số nhà hàng sang trọng, việc uống say xỉn là hành động thiếu lịch sự. Thực khách có thể uống say ở những nhà hàng bình dân, miễn không ảnh hưởng tới người khác.
Tăm xỉa răng
Nếu để ý quan sát, thực khách sẽ thấy các quán ăn tại Nhật không có những hũ tăm xỉa răng. Thay vào đó, họ thường để chúng trong các nhà vệ sinh. Nguyên nhân do phụ nữ Nhật rất ngại xỉa răng trước mặt người khác. Nếu đồ ăn dính vào răng, bạn hãy vào nhà WC và tự làm sạch mà không để người khác nhìn thấy.
Quan tâm: 5 cách ăn sáng giúp bạn trông trẻ hơn và giảm cân
Sau khi kết thúc bữa ăn
Người Nhật cho rằng bữa ăn là cơ hội để mọi người trò chuyện. Vậy bạn nên ngồi từ đầu tới lúc kết thúc, không nên ăn nhanh trước rồi đứng dậy. Cùng một bàn tiệc, mọi người thường điều chỉnh tốc độ ăn cho phù hợp với tất cả.
Kết thúc bữa ăn, thực khách nên xếp lại bát đũa theo trật tự ban đầu như trước khi món dọn ra. Người Nhật có thói quen cảm ơn bữa ăn, thể hiện sự tôn trọng với người đầu bếp.