Danh mục bài viết
Bắn laser trị nám có tốt không?
Nguyên nhân gây ra nám rất phức tạp và vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Vì vậy, để trị nám hiệu quả cần có sự kết hợp của nhiều phương pháp.
Phương pháp laser được nghiên cứu là giúp loại bỏ chân nám, ánh sáng laser phát ra sẽ phá vỡ các hạt sắc tố thành các hạt nhỏ li ti. Sau đó cơ thể từ từ đào thải nó ra ngoài theo cơ chế tự nhiên, hạn chế để lại những tổn thương trên bề mặt da. Kết quả là các đốm sắc tố mờ đi và làn da sáng hơn, đều màu hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là laser không phải là lựa chọn hàng đầu khi bắt đầu điều trị nám. Sử dụng kem làm sáng da và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vẫn được ưu tiên. Ngoài ra, laser chỉ có thể loại bỏ sắc tố dần dần, có nghĩa là nó phải được thực hiện nhiều lần. Hơn nữa, tay nghề của người thực hiện điều trị rất quan trọng để mang lại hiệu quả mà không gây biến chứng.
Trị nám bằng laser có hết không?
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng nám da chỉ do ánh nắng mặt trời. Điều này không sai, vì cơ thể chúng ta có cơ chế tự bảo vệ khi có ánh nắng mặt trời chiếu vào da, da sẽ tự động sản sinh sắc tố da (melanin) để hấp thụ ánh sáng, từ đó bảo vệ da khỏi tác động tiêu cực của tia UV gây hại. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả.
Ngoài ánh nắng, các nguyên nhân gây nám da bao gồm khí thải, khói bụi từ môi trường ô nhiễm, mỹ phẩm kém chất lượng, di truyền, stress… cũng là nguyên nhân gây nám da. Tất cả những yếu tố này đều góp phần sản sinh ra sắc tố melanin nên dù có bảo vệ cẩn thận khi ra ngoài, bạn vẫn có thể bị nám.
Phương pháp laser có tác dụng làm mờ nám theo thời gian nhưng không ngăn chặn quá trình sản xuất melanin. Do đó sau điều trị, cơ thể khi đối diện với các nguyên nhân gây nám da kể trên thì vẫn tiếp tục sản xuất melanin quá mức khiến cho bạn có nguy cơ bị sạm nám trở lại.
Có thể nói, trị nám da bằng laser vẫn có hiệu quả, tuy nhiên hiệu quả này không lâu dài tùy theo mức độ, tay nghề của người điều trị và không thể trị nám dứt điểm.
Những tác hại của việc trị nám bằng laser
Mặc dù đã được FDA chứng nhận về độ an toàn, tính hiệu quả nhưng phương pháp trị nám bằng laser vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:
Gây đau rát da
Hầu hết các cơ sở làm đẹp đều quảng cáo dịch vụ trị nám da bằng laser không đau, không bỏng da, tuy nhiên vẫn có không ít khách hàng e ngại. Thực tế, khi năng lượng laser chiếu vào da có thể gây ra cảm giác đau rát, khó chịu. Đây có thể là dấu hiệu bình thường nhưng cũng có thể cảnh báo tác hại của phương pháp trị nám bằng laser.
Để giảm cảm giác đau, bác sĩ sẽ gây tê cho khách hàng trước khi thực hiện laser. Thời gian ủ khoảng 20 phút và được sử dụng để kiểm soát cơn đau tạm thời. Sau khi thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ có cảm giác hơi râm ran, châm chích trên bề mặt da.
Da bị đỏ, sưng
Đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp của phương pháp điều trị bằng laser, bao gồm cả những phương pháp điều trị nám và tàn nhang. Nguyên nhân là do năng lượng laser phá hủy lớp biểu bì trên cùng của da, da người điều trị bị sưng tấy, ngứa và đỏ. Điều này có thể là bình thường và sẽ dần cải thiện trong vài ngày, cần theo dõi thêm.
Trong trường hợp da bị sưng tấy, đỏ, ngứa, phồng rộp quá mức và tình trạng nặng dần theo thời gian thì bạn cần chú ý hơn. Lúc này, rất có thể bạn đang gặp phải biến chứng, bỏng da do tác hại của phương pháp trị nám bằng laser cường độ cao.
Quan tâm: Điều trị da khô, bong tróc bằng nha đam
Khiến da nhạy cảm với ánh nắng
Bạn có biết tại sao bác sĩ luôn chọn những thời điểm ít nắng và khuyên bệnh nhân của mình nên sử dụng biện pháp chống nắng sau laser trị nám da, tàn nhang? Đó là bởi vì phương pháp điều trị này làm cho da của bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng. Đây được coi là một tác dụng phụ thường gặp khi chúng ta điều trị bằng laser.
Hãy lưu ý rằng da rất dễ bị cháy nắng, dễ bị mẩn đỏ và cảm giác bỏng rát khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ngay cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn. Vì vậy, lời khuyên cho những ai đang nghĩ đến việc làm laser là hãy đầu tư vào các sản phẩm bảo vệ da nhiều hơn như kem chống nắng, mũ, kính râm…
Thay đổi sắc tố da sau laser
Mục đích của phương pháp điều trị nám, tàn nhang bằng laser là điều trị sắc tố da. Tuy nhiên tác hại của phương pháp trị nám bằng laser là nguy cơ làm tăng hoặc giảm sắc tố da. Xảy ra khi thiết bị laser được lựa chọn không đúng cách và mức năng lượng không phù hợp.
Không ít người lo lắng về tình trạng tăng sắc tố sau laser và đây chính là một tác dụng phụ của laser trên da. Dẫu vậy, tác dụng phụ này có thể tự biến mất sau một vài tháng nếu bạn chăm sóc da đúng cách.
Gây sẹo xấu
Một trong những tác dụng phụ của việc điều trị bằng laser là khiến da nhiễm trùng, hình thành sẹo xấu. Theo đó, sẹo lồi hay sẹo lõm sẽ tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Nếu cơ địa của bạn dễ bị sẹo, đặc biệt là sẹo lồi thì cần nói rõ với bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp nhất.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho bạn thắc mắc “có nên trị nám bằng laser không?” và từ đó giúp nàng tìm được phương pháp điều trị hiệu quả nhất!