21 C
Hanoi
Chủ Nhật, 6/10/24

Trầm cảm khi mang thai nguy hiểm cho mẹ, hại cho con

spot_imgspot_img

(nangdep) Trầm cảm khi mang thai là nỗi ác mộng của tất cả mẹ bầu vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động xấu đến tâm sinh lý của thai nhi. Do đó, hiểu được nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cả hai mẹ con.

Thế nào là trầm cảm khi mang thai?

Mang thai là hành trình mang đến muôn vàn cảm xúc cho mẹ bầu. Cũng từ lúc biết mình có thai, mẹ sẽ có nhiều thay đổi cả về suy nghĩ và lối sống. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mẹ sẽ không kịp thích ứng với những thay đổi ấy và hậu quả là kéo theo nhiều điều tiêu cực không đáng có. Trong đó, trầm cảm khi mang thai là tình trạng không một mẹ bầu nào mong muốn.

Trầm cảm khi mang thai là một chứng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng ở mẹ bầu, chúng ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và thai nhi. Cảm xúc của mẹ bị rối loạn và rất khó kiểm soát trong suy nghĩ.

Thực trạng bệnh trầm cảm khi mang thai

Theo thống kê, có đến 14 – 23% mẹ bầu bị trầm cảm khi mang thai. Bệnh lý này ngày càng phổ biến và trở thành nỗi lo lắng của tất cả mẹ bầu. Tuy nhiên bệnh không dễ phát hiện vì đa số mẹ bầu có xu hướng che đậy cảm xúc hoặc không biết mình đang bị trầm cảm.

Chính vì vậy, phát hiện sớm trầm cảm khi mang thai và đưa ra những biện pháp chữa trị hiệu quả là việc mà mỗi mẹ bầu cần làm ngay lúc này để bảo vệ sức khỏe của cả hai mẹ con.

Dấu hiệu của trầm cảm khi mang thai

Trầm cảm khi mang thai không có dấu hiệu rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những thay đổi bình thường ở phụ nữ mang thai. Vì vậy rất khó phát hiện nếu không thật sự để ý.

Khi có một trong những biểu hiện dưới đây, mẹ bầu không được chủ quan mà cần lưu ý bởi rất có thể mẹ đã bị trầm cảm:

  • Luôn cảm thấy buồn bã, tâm trạng không thoải mái, hay chán nản, bực tức
  • Dễ nổi giận vô cớ dù chỉ là chuyện nhỏ
  • Mẹ bầu thường xuyên cảm thấy lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng
  • Dễ khóc là biểu hiện điển hình của trầm cảm khi mang thai
  • Cảm thấy không còn hứng thú với những thứ mà trước đây bản thân rất yêu thích
  • Dễ kích động hoặc chậm chạp hơn hẳn so với trước đây
  • Khó ngủ hoặc mất ngủ trong thời gian dài
  • Ngại tiếp xúc với những người xung quanh, kể cả bạn bè, người thân trong gia đình, có xu hướng cô lập bản thân
  • Có ý chống đối sự hướng dẫn của bác sĩ, không đi khám thai định kỳ
  • Có xu hướng thích sử dụng các chất độc hại như rượu bia, hút thuốc
  • Nhịp tim tăng nhanh, thỉnh thoảng choáng ngất
  • Đôi khi còn suy nghĩ đến cái chết để thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng này.

Có một vài triệu chứng của trầm cảm rất giống với ốm nghén ở bà bầu. Vì thế mẹ bầu cần thực sự để ý đến những cảm xúc của bản thân, nếu những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện với tần suất nhiều và kéo dài thì cần đi khám bác sĩ ngay.

Đặc biệt, trong thai kỳ mẹ rất cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của những người thân trong gia đình để nhận biết sớm các trạng thái cảm xúc bất thường ở bà bầu. Bởi chính trạng thái thờ ơ của người thân dễ khiến mẹ bầu rơi vào trầm cảm nặng.

8 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm khi mang thai

Trầm cảm khi mang thai xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ở mỗi mẹ bầu, nguyên nhân gây nên bệnh lý này lại khác nhau tùy hoàn cảnh, suy nghĩ và thái độ của mỗi người.

Cùng tìm hiểu 8 nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trầm cảm khi mang thai mẹ nhé.

Thay đổi hoocmon

Khi mang thai, hoocmon trong cơ thể mẹ thay đổi. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm khi mang thai ở mẹ bầu.

Sự thay đổi hoocmon khiến mẹ bầu nhạy cảm hơn, cảm xúc của mẹ cũng thay đổi theo hướng mạnh hơn với những vấn đề xoay quanh cuộc sống của mình. “Chuyện bé xé ra to” là tình trạng rất thường gặp ở mẹ bầu khiến mẹ suy nghĩ nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn và mệt mỏi cũng nhiều hơn.

Những cãi vã thường ngày của vợ chồng cũng trở nên căng thẳng hơn trong thời gian mẹ mang bầu.

Áp lực tài chính

Khi mang thai, mẹ bầu cần có tâm lý thoải mái và được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để nuôi lớn thai nhi. Thế nhưng, không ít mẹ bầu luôn phải đau đầu suy nghĩ về vấn đề tài chính, cân đối chi tiêu bởi việc sinh em bé tốn kém rất nhiều khoản chi phí khác nhau…

Hơn nữa, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rất nhiều phụ nữ phải cùng lúc chu toàn cả việc cơ quan, việc gia đình, quá trình mang thai vẫn phải làm việc vất vả để đảm bảo tài chính cho gia đình. Những áp lực ấy cũng là nguyên nhân dễ khiến mẹ bị trầm cảm khi mang thai.

Thiếu sự hỗ trợ

Khi mang bầu, người mẹ trở nên nhạy cảm và mệt mỏi nhiều hơn bởi những cơn ốm nghén, sự nặng nề của cơ thể, những lo lắng thường trực về sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Thời kỳ này mẹ rất cần nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, quan tâm nhiều hơn của người thân quanh mình.

Tuy nhiên rất nhiều trường hợp mẹ bầu không nhận được nhiều sự hỗ trợ của người thân. Sự thờ ơ, coi nhẹ và thiếu quan tâm của mọi người xung quanh khiến bà bầu bị tổn thương về mặt tinh thần, rơi vào những suy nghĩ tiêu cực và trở thành trầm cảm khi mang thai.

Mang thai ngoài ý muốn

Trái ngược với những cặp vợ chồng đang mong ngóng con, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn thường sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sức khỏe của mẹ.

Việc mang thai ngoài ý muốn khiến mẹ luôn lo lắng, dè dặt trước ánh mắt và thái độ của những người xung quanh. Thêm vào thiếu sự chuẩn bị trước cho việc mang thai khiến mẹ gặp nhiều rắc rối về tài chính, công việc và cuộc sống hàng ngày cũng bị đảo lộn, làm gia tăng mệt mỏi và sự căng thẳng. Những suy nghĩ tiêu cực ấy rất dễ khiến mẹ bị trầm cảm khi mang thai.

Áp lực xã hội

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngày nay nhiều phụ nữ phải chịu áp lực cao từ xã hội. Khi họ mang thai những áp lực đó còn tăng lên nhiều hơn khi vừa phải đi làm, vừa phải chỉn chu việc gia đình.

Quá trình mang thai, người mẹ cũng luôn phải đối mặt với sự dò hỏi từ những người xung quanh về nhiều vấn đề như: giới tính, cân nặng của con, ngoại hình của mẹ… Quá nhiều lo toan, bận rộn khiến mẹ bầu không được nghỉ ngơi, thư giãn mà thường xuyên ở trạng thái căng thẳng dẫn đến trầm cảm.

Di truyền

Một số nghiên cứu cho rằng, trầm cảm khi mang thai do sự rối loạn cảm xúc của người mẹ cũng có yếu tố di truyền. Khảo sát cho thấy rằng, nếu mẹ hoặc chị gái của bạn từng bị trầm cảm khi mang thai, thì nguy cơ bạn mắc phải tình trạng này cũng cao hơn so với những bà bầu khác.

Phụ nữ bị lạm dụng

Khi mang thai, nếu phụ nữ bị lạm dụng sức lao động, tình dục hay bị đối xử thiếu công bằng, thiếu sự tôn trọng cũng sẽ khiến họ nhạy cảm, dễ suy nghĩ tiêu cực hơn. Mẹ bầu cảm thấy bị cô lập, thấy không được tôn trọng. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị trầm cảm khi mang thai.

Rối loạn tuyến giáp

Tuyến giáp là nơi sản sinh ra hormone liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mang thai. Do đó, nếu tuyến giáp bị rối loạn, nội tiết tố của chị em cũng bị ảnh hưởng và đây là nguyên nhân khiến họ dễ bị trầm cảm hơn.

Quan tâm: Cẩm nang thai kỳ: Bà bầu uống rau má có tác dụng gì?

Trầm cảm khi mang thai nguy hiểm như thế nào?

Trầm cảm khi mang thai gây tác động tiêu cực cho tâm lý và sức khỏe của mẹ bầu. Nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp giải quyết kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ.

Nếu mẹ bầu mắc trầm cảm ở 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ cao gây sinh non, sảy thai, thai nhi phát triển kém, coi cọc, nhẹ cân, tiểu đường thai kỳ… Trường hợp nặng, bé có thể bị chậm phát triển sau khi sinh. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, chậm phát triển ngôn ngữ, thậm chí bị tự kỷ nếu mẹ bị trầm cảm khi mang thai.

Ngoài ra, khi bị trầm cảm, mẹ bầu sẽ có những suy nghĩ, lời nói, hành động thiếu tỉnh táo, thậm chí thường xuyên có ý định tự tử.

Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu trầm cảm, mẹ nên đi khám bác sĩ ngay. Đừng chủ quan để bệnh tình diễn biến nặng hơn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Biện pháp giải quyết trầm cảm khi mang thai

Trầm cảm khi mang thai rất nguy hiểm đối với bà bầu và thai nhi nên cần được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời. Dưới đây là một số giải pháp thường được áp dụng cho các mẹ bầu bị trầm cảm.

Liệu pháp tâm lý

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm lý nên liệu pháp tâm lý là ưu tiên hàng đầu để giải quyết vấn đề này. Mẹ bầu nên tìm đến các bác sĩ tâm lý để được tư vấn, tháo gỡ những rối loạn và cảm xúc tiêu cực.

Bên cạnh đó, mẹ bầu hãy tự dành cho mình nhiều thời gian hơn để thư giãn, đọc sách hoặc “nuông chiều” những sở thích của bản thân nhằm tránh xa các suy nghĩ tiêu cực. Hãy tâm sự, chia sẻ nhiều hơn với người thân, bạn bè để được giải tỏa những lo lắng và mệt mỏi.

Tập thể dục thường xuyên

Mẹ hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng hàng ngày bằng những bài thể dục đơn giản dành cho bà bầu. Việc vận động cơ thể sẽ giúp cho khí huyết lưu thông tốt hơn, cơ thể khỏe khoắn, nhẹ nhàng, nhờ đó tinh thần cũng trở nên thư thái hơn, tránh những suy nghĩ tiêu cực không nên có.

Vai trò của người thân, bạn bè

Khi bà bầu bị trầm cảm, vai trò của người thân, bạn bè xung quanh là rất quan trọng. Bởi chính việc không được chia sẻ về mặt tinh thần, giúp đỡ, hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày khiến bà bầu cảm thấy cô đơn, mệt mỏi và dẫn tới trầm cảm.

Chính vì thế người thân xung quanh, đặc biệt là người chồng hãy thể hiện sự quan tâm và dành nhiều thời gian hơn để tâm sự, chia sẻ với bà bầu giúp họ giải tỏa những lo lắng, suy nghĩ tiêu cực. Lắng nghe và trò chuyện là cách tốt nhất để bà bầu cảm thấy không bị bỏ rơi và có động lực lớn để vượt qua thời kỳ bầu bì đầy mệt mỏi.

Quan tâm: Dáng đẹp, eo thon không là chuyện khó

Điều trị bằng thuốc

Với một số trường hợp bà bầu có triệu chứng trầm cảm nặng, mẹ bầu sẽ cần được điều trị bằng thuốc để ổn định trạng thái cảm xúc. Các loại thuốc này không được phép tự ý sử dụng, bởi nếu sai liều lượng và cách dùng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Mẹ cần tới thăm khám với bác sĩ, chia sẻ chính xác những triệu chứng và cảm xúc của mình để bác nắm bắt, chẩn đoán chính xác mức độ bệnh và chỉ định dùng thuốc phù hợp nhất.

Trong suốt quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được chỉ dẫn.

Nhìn chung trầm cảm khi mang thai không phải là vấn đề xa lạ trong xã hội hiện đại. Chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về tình trạng này để hạn chế tối đa nguy cơ trầm cảm ở bà bầu, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu nên thường xuyên thăm khám bác sĩ theo lịch định kỳ được tư vấn để theo dõi tình trạng sức khỏe, cập nhật liên tục các vấn đề của bản thân để được tư vấn và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

spot_img
Bài viết mới nhất
spot_img
Bài viết liên quan
Đăng ký miễn phí

Tư vấn - Đo BMI - Thăm khám