1. Đặc điểm làn da của trẻ sơ sinh
- Da của trẻ rất mỏng: Làn da của trẻ sơ sinh chỉ mỏng bằng 1⁄5 so với người lớn và có thể nhìn thấy các mạch máu nằm dưới da bé. Với làn da mỏng manh, cấu trúc da chưa ổn định, da bé rất dễ bị dị ứng hoặc chịu tổn thương bởi các yếu tố từ môi trường bên ngoài;
- Da trẻ thường đỏ và nhăn nheo: Nguyên nhân vì ở trẻ sơ sinh, lớp mỡ dưới da của bé chưa được tích lũy nhiều nên da của trẻ không được căng mọng, các lớp biểu bì da xẹp xuống vì không được lớp mỡ nâng đỡ. Sau vài tuần, khi lớp mỡ dưới da hình thành, da bé sẽ hồng hào và trơn láng, bụ bẫm hơn;
- Có nhiều lớp da mỏng màu trắng bong ra: Khi ở trong bụng mẹ, da của bé được bao phủ bởi một lớp màng màu trắng, giúp bảo vệ bé trong môi trường nước ối. Khi bé được sinh ra, lớp màng trắng này bị cọ xát, khô và bong ra. Đây là tình trạng bình thường nên cha mẹ không cần lo lắng;
- Da trẻ sơ sinh có nhiều lông: Cùng với lớp màng màu trắng, lớp lông tơ mọc trên da của bé giúp bảo vệ trẻ trước các tác động của nước ối. Một số bé sẽ bị rụng gần hết lớp lông này khi còn ở trong bào thai nhưng cũng có bé sẽ ra đời với lớp lông này. Lớp lông này sẽ biến mất sau khi bé được khoảng 1 – 4 tuổi;
- Mọc nhiều mụn sữa: Các lớp mụn sữa trên da bé có kích thước rất nhỏ, màu trắng giống như ngọc trai. Mụn sữa không nguy hiểm và có thể biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng. Nếu sau 3 tháng mà mụn sữa trên da trẻ chưa biến mất thì cha mẹ nên đưa bé đi khám để kiểm tra chính xác.
2. Cách chăm sóc da cho trẻ sơ sinh
Ngay sau khi sinh, một trong những công việc chăm sóc trẻ sơ sinh cần được chú ý cẩn thận chính là chăm sóc da cho bé. Nguyên nhân vì làn da mỏng manh của bé rất dễ bị tổn thương, nhiễm trùng bởi các tác động của môi trường và vi khuẩn nên người mẹ cần có kiến thức chăm sóc da sơ sinh đúng cách để bảo vệ con.
Việc chăm sóc và lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ sơ sinh cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
Tránh việc cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích da:
- Chọn quần áo cho trẻ là các loại vải mềm;
- Chú ý tránh cọ xát, kể cả cọ xát nhẹ trên da bé vì có thể gây tổn thương làn da của trẻ;
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại xà phòng thô bởi các sản phẩm này thường có độ kiềm cao, dễ làm kích thích da của bé;
Giữ da bé có độ ẩm thích hợp:
- Nếu thời tiết khô hanh hoặc tắm rửa nhiều thì da của trẻ sơ sinh có thể bị mất nước. Người chăm sóc trẻ sơ sinh nên thoa kem dưỡng da sơ sinh cho bé ở những vùng da bị khô, thiếu nước;
- Việc không thay tã thường xuyên cộng với thời tiết nóng ẩm có thể gây nhiễm nấm, nhiễm trùng ở trẻ. Vì vậy, cần thường xuyên rửa sạch khu vực mang tã của trẻ bằng các chất làm sạch có thành phần dịu nhẹ, không gây kích ứng;
Hạn chế tiếp xúc với các chất kích ứng da từ môi trường:
- Thay tã cho trẻ mỗi khi tã ướt để da bé không bị tiếp xúc quá lâu với phân, nước tiểu;
- Nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, được kiểm chứng trên lâm sàng để chống lại tình trạng kích thích da, giảm cọ xát da bé;
- Chọn loại tã phù hợp với trẻ;
Tránh các tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới mắt của trẻ. Vì trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt hay bài tiết nước mắt khi gặp các tác nhân gây kích ứng nên cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý:
- Giữ bé tránh xa khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm;
- Tránh các sản phẩm làm sạch có chứa xà phòng hoặc cồn;
- Dùng các sản phẩm chăm sóc tóc và da có thành phần dịu nhẹ, không gây cay mắt;
Hạn chế làm thay đổi sự cân bằng của các loại vi khuẩn trên da bé. Các chủng vi khuẩn thường trú trên da bắt đầu có ngay từ khi trẻ ra đời. Chúng hiếm khi gây bệnh trừ khi trên da có vết thương hở hoặc độ axit tự nhiên trên da trẻ bị phá hủy. Do vậy, phụ huynh cần phải:
- Giữ sạch cuống rốn và các vết thương hở của bé;
- Làm sạch da bé với sữa tắm dịu nhẹ, có độ pH cân bằng, phù hợp với sinh lý của da.
Cha mẹ cần giữ vệ sinh, chăm sóc da cho trẻ sơ sinh đúng cách để da bé luôn mềm mịn, thoáng mát, từ đó giúp bé thoải mái và ăn ngủ tốt hơn.