Bệnh nhân thành “chuột bạch”
Công bố mới đây của Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về đợt kiểm tra, xử lý các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các thẩm mỹ viện khiến không ít người giật mình vì mức độ coi thường pháp luật và sức khỏe người khác của các chủ cơ sở.
Đơn cử, khi các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra Thẩm mỹ Venus by Asian (địa chỉ 2B-2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3), phát hiện cơ sở có trang bị giường, dụng cụ, đèn phẫu thuật và dụng cụ vật tư y tế nhưng chưa xuất trình hồ sơ nguồn gốc xuất xứ. Các phiếu thu dịch vụ, phiếu thu tiền, đơn thuốc được ghi nhận là có thông tin về việc thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực thẩm mỹ. Cơ quan chức năng cũng ghi nhận cơ sở này có các dấu hiệu thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp như: cắt mí mắt, hút mỡ, giảm béo, điện di mắt… cho khách hàng mà chưa được Sở Y tế cấp giấy phép. Cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở này dừng ngay việc khám bệnh, chữa bệnh, dừng quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực thẩm mỹ… Thanh tra cũng tổng hợp hồ sơ và xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở này.
Tương tự, trong đợt kiểm tra mới đây, các cơ quan chức năng cũng xử phạt hơn 67 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Thẩm mỹ viện Aura với nhiều vi phạm tại cơ sở kinh doanh địa chỉ: số 1 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10. Cơ sở này không niêm yết đầy đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh; không lập sổ khám, chữa bệnh theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí còn sử dụng thuốc, các chất, thiết bị can thiệp vào cơ thể người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác làm thay đổi mầu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể; thực hiện xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm… nhưng chưa được cấp phép về các điều kiện để thực hiện y tế chuyên môn.
Theo Thanh tra Sở Y tế, lợi dụng nhu cầu làm đẹp của người dân, nhiều cơ sở “ngang nhiên” cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Tăng các chế tài xử lý
Báo động về những sự cố liên quan đến thẩm mỹ, làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ “chui”, TS, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW cho biết, trong ba năm gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 511 bệnh nhân đến điều trị vì biến chứng thẩm mỹ, phần lớn các ca bệnh bị biến chứng khi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ “chui”.
Theo bác sĩ Dung, nhiều người không có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở spa, cơ sở làm đẹp để tiêm filler (chất làm đầy), tự ý phẫu thuật, can thiệp y tế trên cơ thể người, dẫn đến những tai biến, sự cố y khoa nghiêm trọng, để lại di chứng nặng nề và tốn kém tiền bạc để điều trị, khắc phục.
Tuy vậy, chế tài xử lý, chấn chỉnh tình trạng này vẫn quá nhẹ để răn đe. Bác sĩ Dung cho rằng, ngoài việc tăng chế tài xử lý, các cơ quan chức năng cũng cần nâng cao các biện pháp giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố ý sai phạm. Ngoài ra, cần đặt vấn đề đạo đức đối với chủ các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp; các cơ quan chức năng, báo chí, truyền thông cần tuyên truyền, định hướng người dân tiếp cận các kiến thức về thẩm mỹ an toàn.
Sở Y tế thành phố đã yêu cầu Phòng Y tế các địa phương tăng cường tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý hành nghề và dạy nghề trái phép trên địa bàn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế và Thanh tra các Sở khác có liên quan để cương quyết xử lý nghiêm, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi phạm pháp liên quan đến thẩm mỹ.