Danh mục bài viết
1. Dị ứng mỹ phẩm xảy ra khi nào?
Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng tổn thương da từ mức độ nhẹ đến nặng do các thành phần có trong sản phẩm làm đẹp, chăm sóc da. Ngoài ra, dị ứng mỹ phẩm cũng liên quan đến hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch, những người có làn da nhạy cảm sẽ có nguy cơ dị ứng với mỹ phẩm cao hơn bình thường.
Những thành phần trong mỹ phẩm thường gây dị ứng da bao gồm: chất bảo quản paraben, chì, cồn, perfume, mineral oil, paraffin,… Những chất này khi sử dụng trên da gây tình trạng bít tắc lỗ chân lông, làm tổn thương da, gây kích thích hiện tượng dị ứng da.
Dị ứng mỹ phẩm là chỉ chung cho các dòng sản phẩm chăm sóc và làm đẹp, phổ biến như: nước hoa, kem dưỡng tóc, kem tẩy lông, thuốc mọc tóc, kem làm trắng da, kem chống nắng, kem ngăn nếp nhăn, thuốc nhuộm tóc, kem trị mụn, đồ trang điểm, son môi, dung dịch vệ sinh, sữa tắm,…
Các loại mỹ phẩm có nguồn gốc và kiểm định rõ ràng có đầy đủ thông tin thành phần, được nghiên cứu chứng minh hiệu quả trên da cũng như những ảnh hưởng da có thể gặp phải. Do đó khi sử dụng đúng cách, tỉ lệ bị dị ứng mỹ phẩm rất thấp.
Hầu hết trường hợp dị ứng mỹ phẩm, nhất là dị ứng gây tổn thương da nghiêm trọng thường do:
Sử dụng mỹ phẩm không đúng cách.
Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với làn da và loại da.
Sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần chứa chất gây dị ứng da.
Do đó, lựa chọn mỹ phẩm nào để chăm sóc da là rất quan trọng, nếu không không chỉ không giúp làm đẹp da mà còn khiến làn da của bạn trở nên tồi tệ hơn.
2. Nhận biết các dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm
Dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm thể hiện rất rõ trên vùng da mà bạn sử dụng, đặc biệt là vùng da mặt thường mỏng, nhạy cảm và dễ tổn thương nhất. Cụ thể, các triệu chứng khi da bị dị ứng mỹ phẩm bao gồm: nổi mẩn đỏ, mề đay, mụn mủ, sần ngứa, ngứa ngáy trên da,…
Nếu chỉ bị dị ứng mỹ phẩm nhẹ, các triệu chứng trên da cũng thường nhẹ và thuyên giảm sau 1 – 2 ngày ngưng sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên nhiều trường hợp dị ứng mỹ phẩm nặng, tổn thương da sẽ nghiêm trọng và kéo dài hơn cả khi bạn đã không sử dụng loại mỹ phẩm đó nữa.
Dưới đây là các dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm nặng cần chú ý để chăm sóc và điều trị:
2.1. Nổi mụn trứng cá
Nhiều người cho rằng nổi mụn trứng cá là tình trạng khá thường gặp trên da, do đó khi dấu hiệu này xuất hiện không cho rằng mình bị dị ứng mỹ phẩm. Song thực tế, các thành phần gây dị ứng da thường làm bít tắc lỗ chân lông, gây ứ đọng bụi bẩn và dịch nhờn dẫn đến hình thành mụn trứng cá. Khi do dị ứng mỹ phẩm, da thường bị nổi nhiều mụn trong thời gian ngắn, đặc biệt tập trung ở 1 số vùng da sử dụng mỹ phẩm.
2.2. Viêm da dị ứng
So với dấu hiệu nổi mụn trứng cá, viêm da dị ứng cho thấy bạn đang bị dị ứng mỹ phẩm nghiêm trọng hơn. Dấu hiệu điển hình là tình trạng xuất hiện nhiều mảng hồng ban đỏ ở vùng da sử dụng mỹ phẩm, sau đó nổi dạng mụn nước gây ngứa nặng.
2.3. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc hay còn gọi là chàm tiếp xúc, khi vùng da dị ứng xuất hiện những mảng hồng ban có giới hạn rõ ràng, có thể gây ngứa ngáy cùng với mụn nước.
2.4. Nổi mề đay
Mề đay là những nốt sần phù nổi rõ trên bề mặt da kèm theo ngứa nhưng không do tổn thương bên ngoài da gây ra.
2.5. Khô da
Dị ứng mỹ phẩm thường gây tình trạng khô da, thậm chí bị bong tróc ở nhiều mảng da.
2.6. Sạm và lão hóa da
Dị ứng mỹ phẩm gây tổn thương da, gây mất lớp bảo vệ da tự nhiên nên vùng da dễ bị sẫm màu, sạm da và lão hóa da hơn.
2.7. Teo da
Teo da là dấu hiệu dị ứng ở những người sử dụng thuốc corticoid kéo dài, còn gọi là dị ứng corticoid.
Dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm ở mỗi người có thể khác nhau tùy vào thành phần gây dị ứng cũng như mức độ bệnh, song cần phát hiện sớm để ngưng sử dụng mỹ phẩm ngay lập tức. Bên cạnh đó, cần có chế độ chăm sóc da đặc biệt để giảm dị ứng, hồi phục da khỏe mạnh.
Quan tâm: 9 công dụng tuyệt vời của cà chua
3. Cần làm gì khi bị dị ứng mỹ phẩm?
Nếu dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm xảy ra ngay sau khi bôi mỹ phẩm trên da, cần ngừng sử dụng ngay lập tức, dùng nước sạch loại bỏ lớp mỹ phẩm đã dùng trên da. Sau đó có thể dùng nước muối sinh lý để làm sạch da tốt hơn, sau đó dùng khăn mềm lau khô.
Khi da bị kích ứng nghiêm trọng hơn, cần phải làm dịu da bị tổn thương bằng cách dùng khăn sạch quấn với đá lạnh và lăn nhẹ nhàng trên bề mặt da. Lúc này, chỉ được làm sạch da bằng nước sạch, tránh hoàn toàn dùng sữa rửa mặt hay bất cứ mỹ phẩm nào khác.
Sau khi xử lý tạm thời tình trạng kích ứng da do mỹ phẩm, người bệnh cần chú ý:
3.1. Ngưng sử dụng mỹ phẩm, tối giản quy trình chăm sóc da
Khi da còn bị tổn thương do dị ứng, cần ngưng hoàn toàn loại mỹ phẩm gây kích ứng da. Tốt nhất nên để da tự hồi phục, tránh dùng mỹ phẩm trong thời gian này. Nên kiểm tra lại thành phần các loại mỹ phẩm mới sử dụng từ 7 – 10 ngày để tìm ra nguyên nhân thực sự.
3.2. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước lọc cùng các loại nước hoa quả, trà sẽ giúp tăng quá trình trao đổi chất và thanh lọc cơ thể, rất tốt với trường hợp bị dị ứng. Bạn cần duy trì thói quen uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để da bị dị ứng nhanh hồi phục, trở nên sàng khỏe hơn.